Điện thoại IP đã có mặt ở Việt Nam khá lâu, thế nhưng hiện nay khá nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu rõ về tính năng và các ứng dụng của dòng sản phẩm này.
Điện thoại công nghệ IP hay còn gọi là VoIP (Voice over internet protocol - truyền giọng nói trên giao thức mạng Internet). Công nghệ này bản chất là dựa trên chuyển mạch gói (packet switching) thay thế công nghệ điện thoại cũ chuyển mạch kênh (curcuit switching). Nó cho phép sử dụng chung một đường kết nối cho nhiều kênh thoại hoặc kết hợp cùng với các dữ liệu khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chi phí thấp hơn. Để sử dụng được điện thoại IP, kết nối internet là điều kiện bắt buộc.
Xét cho cùng, Điện thoại IP thực ra cũng giống như điện thoại thông thường về chức năng, nhưng chỉ khác nhau về công nghệ truyền tín hiệu.
Ưu điểm: Có nhiều ưu điểm so với việc gọi điện thoại truyền thống, đặc biệt là về cước phí. Giảm được chi phí đầu tư do tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có như mạng Lan, Wan, Internet, máy tính hoặc mạng tổng đài nội bộ,... Giảm chi phí gọi điện thoại quốc tế. Giảm chi phí gọi điện thoại giữa các chi nhánh. Khả năng cơ động cao, chỉ cần kết nối với tín hiệu Internet ở bất cứ đâu.
Nhược điểm: Chi phí đầu tư ban đầu cho thiết bị thường cao. Ví dụ một chiếc điện thoại IP đắt gấp 3-5 lần so với điện thoại để bàn thông thường. Tất nhiên tùy theo quy mô yêu cầu của hệ thống. (Trừ trường hợp dùng softphone miễn phí của nhà cung cấp dịch vụ hoặc Skype, yahoo,...). Chất lượng tiếng và độ ổn định thấp hơn, chỉ đạt 8/10 so với điện thoại truyền thống.
Điện thoại IP thường thích hợp với người dùng là: Cá nhân có người nhà ở nước ngoài, doanh nghiệp có nhiều chi nhánh. Cá nhân hoặc doanh nghiệp có đối tác giao thương tại nước ngoài.
Các thiết bị cần thiết khi lắp đặt: Điện thoại IP (cắm trực tiếp vào mạng Lan hoặc tổng đài điện thoại IP). Phần mềm gọi điện thoại IP (cài trực tiếp lên máy tính cá nhân hoặc điện thoại di động smartphone). Tổng đài điện thoại IP: Là thiết bị trung tâm quản lý điều phối trực tiếp các cuộc gọi ứng dụng IP. Gate way: Thiết bị định tuyến và chuyển đổi tín hiệu cuộc gọi từ Analog sang IP và ngược lại.
Thông thường VoiP có các cách kết nối sau: Máy tính tới máy tính (PC to PC): Đây là cách dễ nhất để ứng dụng VoIP, bạn sẽ không cần trả tiền cho các cuộc gọi đường dài, chỉ cần một phần mềm (soft phone có thể miễn phí), một headphone+ microphone và một kết nối Internet. Máy tính tới điện thoại (PC to Phone): Phương pháp cho phép bạn gọi tới bất kỳ điện thoại nào từ máy tính của bạn. Điện thoại tới máy tính (Phone to PC): Với điện thoại IP hoặc gateway, người sử dụng có thể thực hiện cuộc gọi tới người sử dụng máy tính có cài đặt phần mềm và đang hoạt động trên mạng. Điện thoại tới điện thoại (phone to phone): Qua việc sử dụng điện thoại IP hoặc IP Gateway, người dùng có thể thực hiện cuộc gọi tới bất cứ máy điện thoại nào khác trên thế giới sử.
Các yêu cầu khác: Cần có đường Internet hoặc đường điện thoại truyền thống có thể kết nối Internet quay số dial up. Cần nạp thẻ gọi của một nhà cung cấp dịch vụ Voice IP.
Trong tương lai VoIP sẽ là xu hướng tất yếu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thể thấy mặt người thân, đối tác.